Dừng đổ lỗi cá nhân, đây mới là điều các sếp cần làm khi có sai sót
"SẾP Cһ** nhân viên chẳng khác gì ngửa cổ mà nhổ nước bọt", thứ bệnh trầm kha này bản thân mình đã từng dính mắc trong quá khứ. Cứ kết quả không ổn, cứ khi nào ngứa mắt là cái miệng lại leo lẻo, xéo sắc, làm um lên để thỏa cho sự bực bội và một phần bất lực của bản thân.
Về sau khi nhận ra được mọi điều đa phần từ mình mà ra, kể cả vấn đề không tốt đích danh tại một nhân sự nào đó, thì suy xét đến cùng cũng do việc tiếp nhận và đào tạo nhân sự của bản thân chưa tốt. Từ đó trở đi mỗi lần nhận về kết quả bất như ý mình chuyển từ việc đổ lỗi do nhân sự hoàn toàn hay đi tìm một người hứng chịu trách nhiệm, sang cho việc "đi tìm lỗ hổng bản thân/ tổ chức trong quản trị và đồng hành cùng người thực hiện công đoạn đó vượt qua khó khăn".
Và cũng từ đó mỗi lần khởi lên ý định Cһửɪ nhân viên tức là đồng nghĩa với việc tự ngửa cổ lên trời mà nhổ nước bọt vậy.
Để có thể an yên hơn và hiệu quả hơn, mình xin đề xuất Anh/Chị một vài hành động nhỏ xíu để thay đổi lớn về văn hóa và hiệu năng làm việc.
1. Xem lỗi lầm là điều bình thường
Khi có lỗi hay sai sót, vấn đề không hay xảy ra xin hãy coi đó là điều bình thường, điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu vận hành lâu năm mình tin rằng các sếp sẽ có một chút niềm vui vì vừa mới có thêm một cơ hội kiểm tra sự chắc chắn của hệ thống quản trị công ty mình
2. Xác định vấn đề trước khi quy trách nhiệm cá nhân
Xin hãy xác định vấn đề xảy ra trước khi gán nó cho trách nhiệm cá nhân nào. Chuyện gì đã xảy ra, ở công đoạn nào, có những gì bất thường, chỉ số ra sao vv.... tất nhiên sẽ có thêm Ai phụ trách? nhưng hãy tìm ra "chuyện bất trắc" trước để nhận diện và sẵn sàng có phương án càng sớm càng tốt
3. Phê bình về công việc, không công kích cá nhân
Nếu vấn đề đó xảy ra chính xác do khả năng chuyên môn người thực hiện yếu hay vì vô trách nhiệm, thì đương nhiên bạn hoàn toàn có thể thể hiện cảm xúc không hài lòng, nhưng xin nhớ cho là hãy thể hiện một cách trực diện, trong vùng đánh giá công việc và khiển trách về công việc. Đừng đưa bất kể những ngôn từ nào về công kích cá nhân, đời tư, nhân cách làm tổn thương đến sự tự trọng của nhân sự.
4. Dẫn dắt và tìm giải pháp
Điều quan trọng hơn, cả sau khi bạn trút hết cảm xúc không hài lòng là hãy dùng sự thông tuệ của một người quản trị mà chỉ ra chính xác vấn đề, đồng hành tìm nguyên nhân và giải pháp. Đây là phần quan trọng nhất đối với nhà quản trị và cũng vô cùng cất thiết với nhân sự đang bị vướng mắc. Cho dù bạn chưa điều tiết được cảm xúc bực bội khi nhân viên làm sai, nhưng bạn luôn có giải pháp cho nhân sự thì tôi tin rằng dù có đôi chút khó chịu thì nhân sự sẽ vẫn nể trọng bạn...
5. Giảm bớt áp lực và căng thẳng trong giao tiếp
Giảm bớt cường độ bức xúc và dồn nén bất lực trong các cuộc họp hoặc khi đối thoại với nhân viên. Việc này là khó khi trên vai bạn quá nhiều áp lực đè nặng. Nhưng suy cho cùng ở vị trí quản trị việc bị đè áp lực là chuyện ai cũng gặp cả, hãy biến nó thành thử thách bản thân và "rủ rê" nhân viên cùng chinh phục, bạn sẽ đỡ cô đơn và bức xúc đi nhiều
Chúc các sếp an yên, bình tâm và quản trị hiệu quả cảm xúc của mình!
(Nguồn bài viết: Trần Tuấn)