CEO QUẢN TRỊ KHOÁN - DỄ HAY KHÓ?

Có nhiều Doanh nghiệp tổ chức khoán thành công, cũng có nhiều Doanh nghiệp khoán mới đến chủ trương và có nhiều Doanh nghiệp đang phải đi dọn đống hỗn độn do Khoán.

Quản trị và vận hành Doanh nghiệp theo phương pháp Khoán không mới, nhưng không dễ như cách ta nói 1 chữ "KHOÁN". Bài viết này lấy cảm hứng từ một đối tác mới thất bại trong việc Khoán để chia sẻ lại góc nhìn rộng hơn về phương pháp quản trị này

Trước tiên Khoán là gì?

Hiểu đơn giản Khoán là đóng gói mục tiêu, phạm vi, ngân sách, quyền lợi một vùng công việc nào đó và đưa chúng cho người khác thực hiện theo bộ "đóng gói" đã thống nhất. 

Yếu tố cốt lõi của Khoán

1. Bộ đóng gói phải đầy đủ để sẵn sàng "chuyển" cho người khác "nhận".

Bộ này cơ bản bao gồm:
- Mục tiêu cụ thể kết quả bằng con số
- Mô tả rõ ràng phạm vi quyền lực, trách nhiệm, quyền hạn trong vùng được giao Khoán
- Các giới hạn về chi phí, thời gian, nhân lực, vật lực
- Quyền lợi và phương pháp chia quyền lợi

2. Năng lực người nhận Khoán

Nếu như phần 1 nhắc đến sự khoa học của CEO trong quản trị tài chính và vận hành, thì phần 2 phản ánh sự khoa học trong quản trị nhân sự. Bằng trải nghiệm thực tế, rất nhiều đơn vị có được bộ "đóng gói" nhưng giao nhầm người. Để nhận được khoán và triển khai thành công, tối thiểu người nhận cần có:
- Hiểu thật rõ phương pháp Khoán đang được vận dụng trong tổ chức
- Có kiến thức về vận hành để bóc tách mục tiêu, khối lượng và hạn mức cho từng con người thực hiện
- Xây dựng, tối ưu được quy trình triển khai
- Xây dựng được bộ chỉ số và quy trình đo lường chỉ số
- Có khả năng chuyên môn, đào tạo để sẵn sàng support ekip khi chỉ số không tốt
- Giữ kết nối mạnh mẽ với cấp trên để kịp thời điều chỉnh hoặc thay đổi những điều cần thiết trong khi thực hiện khoán (đặc biệt là các chỉ số về hạn mức, định mức)

3. Truyền thông nội bộ để duy trì "văn hóa Khoán" chứ không dừng lại là một phương pháp quản trị thông thường

Phần này nhiều Doanh nghiệp bỏ qua khi nghĩ rằng chuyện đó chẳng mấy quan trọng. Nhưng không! Việc áp dụng khoán giúp ích cho sự tăng trưởng Doanh nghiệp như thế nào? Cơ hội làm việc chủ động cho từng vị trí ra sao? Quyền lợi từng vị trí cải thiện đến đâu vv... Tất cả những điều đó cần truyền thông mạnh mẽ. Khi tinh thần lên cao và cùng chung mục tiêu cộng với làm đúng ở phần 1 và 2 thì khoán mới có thế bắt đầu hiệu quả

Khoán không phải phong trào ném việc của mình cho người khác để thảnh thơi, Khoán là khoa học quản trị để có một đội ngũ chủ động, nâng cao hiệu suất!
 

(Nguồn bài viết: Trần Anh Tuấn)
 

Bài viết cùng danh mục