5 vấn đề “mập mờ” của Doanh nghiệp kiến nhân sự “sớm rời bỏ”

Điều khôi hài là nguyên nhân hiếm khi đến từ một phía, nhưng điều đáng tiếc là ai ở thế yếu hơn dễ bị đổ lỗi hơn. Trong việc hợp tác và chia tay giữa người lao động và Doanh nghiệp cũng vậy. Câu nói “giới trẻ bây giờ không trung thành, dễ nhảy việc” có thể là một lời đổ lỗi có tính quá đáng với họ. 

5 vấn đề “mập mờ” nếu vẫn còn tồn tại trong Doanh nghiệp của bạn sẽ khiến cho người lao động sớm hay muộn cũng sẽ rời bỏ bạn mà đi. Ngay kể cả nhân sự đó kiên trì và nhẫn nại đến mấy cũng khó có thể gắn bó lâu dài.

1. Sự mập mờ về thu nhập và phúc lợi

Đặc trưng của lỗi sai này là không có công thức & quy định về tính lương, thưởng, phụ cấp rõ ràng với người lao động ngay từ khi họ bắt đầu tiếp nhận vị trí công việc. Thậm tệ hơn là trong quá trình làm việc người sử dụng lao động rất dễ dãi trong việc điều chỉnh công thức tính lương hoặc chỉ tiêu công việc vô căn cứ. Từ đó người lao động không thể xác định chính xác thu nhập của bản thân và lo lắng về sự công bằng giữa công sức bỏ ra và quyền lợi nhận được.

2. Sự mập mờ về trách nhiệm công việc

Mỗi một chức danh công việc sẽ kèm theo mô tả công việc rõ ràng bao gồm trách nhiệm thực hiện khối lượng công việc nào trong tổ chức, tuy nhiên với đặc thù vận hành không khoa học, không ít Doanh nghiệp giao việc ngoài vùng chuyên môn và trách nhiệm của người lao động. Nhiều Doanh nghiệp còn gài câu từ, chơi chữ để giao việc linh hoạt, dạng như “Và các việc khác được ban lãnh đạo giao”. Điều này khiến người lao động bất mãn vì phải chạy theo quá nhiều việc không tên, giảm năng suất các việc bản thân chuyên trách.

3. Sự mập mờ về tiêu chí đánh giá và tiêu chuẩn công việc

Điển hình là làm việc không có kế hoạch, giao việc tùy thích và can thiệp thường xuyên vào công việc của nhân sự. Các biểu hiện trên xuất phát từ sự yếu kém trong khâu tổ chức và triển khai. Thông thường một chu kỳ triển khai công việc sẽ thực hiện theo tháng hoặc tuần, mỗi một nhân sự cần nắm rõ kế hoạch các đầu việc, quy trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Nhưng thực trạng hiện nay khá nhiều Doanh nghiệp vẫn đang giao việc theo ngày, giao việc bằng miệng hay nhắn tin mà không có bất cứ một phương pháp quản lý khoa học nào. Từ đó nhân sự bị phụ thuộc và mất tính chủ động hoàn toàn.

4. Sự mập mờ về công bằng giữa các nhân sự

Điều này dễ bắt gặp nhất trong các Doanh nghiệp gia đình, nơi các quan hệ ngoài công việc được vô duyên đưa vào tổ chức một cách có chủ đích. Hoặc có thể Doanh nghiệp của bạn không phải “gia đình” như ý trên nhưng các vị trí quản lý điều hành bằng cảm xúc, đưa mối quan hệ, tình cảm vào công việc. Trên góc độ vận hành bài bản đây là điều tối kỵ, tiếp tục kéo dài nó sẽ biến Doanh nghiệp của bạn trở thành nơi “hội tụ cảm xúc” không phải một tổ chức vì mục tiêu chung và có nguyên tắc rõ ràng trong công việc.

5. Sự mập mờ về “lời hứa”

Có thể ngắn gọn bằng một câu đó là “Nói được nhưng làm hay không thì tùy”. Đây là thói quen xấu và đáng loại bỏ nhất trong Doanh nghiệp, đặc biệt là các vị trí quản lý. Trong mọi sự “mập mờ” được đề cập tại bài viết này thì đây chính là điều tệ hại nhất. Điều này tạo ra sự thất vọng và mất niềm vào Doanh nghiệp của nhân sự. Để vượt qua và nuôi cấy văn  hóa “nói được, làm được” đòi hỏi người đứng đầu tổ chức phải làm gương trong mọi chuyện dù là nhỏ nhất. Nhất quán triệt để tư tưởng “phát biểu đi kèm hành động”, “góp ý đi kèm hỗ  trợ” có như vậy căn bệnh này mới được đầy lui và trọng lượng lời hứa của cấp lãnh đạo mới giá trị về sau.

Trong hành trình thiết lập và vận hành Doanh nghiệp không thể tránh khỏi những sai sót và điểm khiếm khuyết. Hiện tượng nhân sự không gắn bó cũng có thể xuất phát ít nhiều từ 5 nguyên nhân trên. Bất luận  lý do dẫn đến việc nhân sự nghỉ việc do ai thì cũng không thể phủ nhận một việc đó là Doanh nghiệp càng  vận hành bài bản, khoa học, công bằng thì tỉ lệ người lao động rời bỏ tổ chức sẽ được hạn chế.
 

(Nguồn bài viết: Trần Tuấn)

Bài viết cùng danh mục